Sơn La có địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng với 2 cao nguyên Nà Sản – Mộc Châu, tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau, ôn hòa và có 2 mùa tương phản, với nền đất đỏ vàng tầng dầy và phì nhiêu, rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây cà phê. Cà phê Arabica được trồng trên địa hình địa lý ấy, hấp thu thổ nhưỡng, đất đai, lại nằm ở vĩ độ khá cao về phía Bắc ít phải tưới, đã chưng cất tinh hoa đất trời và tâm sức con người, trở thành sản vật vô giá.
Với sức sống mãnh liệt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa, ở trong điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, nên cà phê Arabica nơi đây có vị ngon đặc biệt, có thể được mô tả: Sau khi rang xay hạt cà phê toát ra mùi nồng ấm của gỗ lâu năm, và sau khi ủ nước nóng hương thơm toả ra từ hơi nóng – là mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng, và khi hương vị này chạm vào lưỡi sẽ để lại hậu vị ngọt dịu, lâu của mật ong rừng, không phải vị đắng như những loại cà phê khác. Để mô tả chính xác nhất vị ngon đặc biệt của sản vật ấy, là cảm giác như hoa nở lan toả, thức tỉnh hết cả giác quan khi từng giọt cà phê thấm hết với lưỡi.
Được nhiều hộ nông dân và chính quyền địa phương tích cực phát triển, đến nay diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh Sơn La đạt trên 17.817 ha, sản lượng cà phê nhân tính đến cuối 2017 đạt trên 60.000 tấn.
Sản lượng cà phê nói trên vẫn được xem là thấp so với tiềm năng và giá trị đời sống kinh tế, thương hiệu địa phương mà cà phê Arabica của Sơn La có thể mang lại. Nguyên do chủ yếu là việc sản xuất cà phê bao năm qua vẫn loay hoay với các vấn đề như: Canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung rời rạc và không có tính bền vững, chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu, hay hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công, lạc hậu.
Ngoài ra, mối liên kết giữa người trồng cà phê và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê còn rất lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng hạt cà phê bị buông lỏng, việc tiêu thụ thiếu tính bền vững và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất hạt thô không có thương hiệu, có khi trở thành một nguyên liệu của Việt Nam được gắn nhãn hiệu cà phê Brazil. Quan trọng hơn, Sơn La còn thiếu vắng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê với quy mô và năng suất lớn, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.